Search with Google

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Sơ lược lịch sử hình thành tỉnh Trà Vinh



Như các địa phương ven biển khác ở miền Tây Nam bộ, vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh được hình thành vào giai đoạn đầu công nguyên, do kết quả của quá trình biển thoái và quá trình bồi tụ phù sa lâu dài của các nhánh sông. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nơi đây là những cánh rừng hoang vu nê địa, “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, dân cư thưa thớt. Mãi đến giữa thế kỷ XVIII (1757), khi công cuộc khai hoang lập ấp của các thế hệ lưu dân người Việt, người Khmer, người Hoa đã tương đối ổn định, các chúa Nguyễn mới thiết lập thành lập đơn vị hành chính đầu tiên trên mảnh đất này mang tên phủ Lạc Hóa, trực thuộc Long Hồ Dinh. Phủ Lạc Hóa bao gồm hai huyện là Trà Vang (sau đổi thành Trà Vinh) và Tuân Ngãi..
Sau khi đánh chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp bãi bỏ cấp phủ Lạc Hóa. Huyện Trà Vinh (có địa bàn dọc theo sông Cổ Chiên) đổi thành hạt tham biện Trà Vinh và huyện Tuân Ngãi (có địa bàn dọc theo sông Hậu) thành hạt tham biện Bắc Trang. Sau đó, hạt tham biện Trà Vinh và hạt tham biện Bắc Trang nhập lại thành hạt tham biện Trà Vinh,rồi hạt tham biện lại được đổi thành tiểu khu hành chánh. Đến năm 1900, tỉnh Trà Vinh chính thức ra đời. Tỉnh lỵ Trà Vinh đặt tại làng Long Đức, nay là nội ô thị xã Trà Vinh. Ban đầu, tỉnh Trà Vinh có các huyện Càng Long, Châu Thành, Bàng Đa, Ô Lắc, Bắc Trang. Đến năm 1928, giải thể huyện Bàng Đa và Ô Lắc để thành lập huyện Cầu Ngang và thành lập huyện Tiểu Cần trên cơ sở một phần huyện Bắc Trang và một phần huyện Càng Long. Năm 1940, đổi huyện Bắc Trang thành huyện Trà Cú. Năm 1948, tách huyện Cầu Kè từ tỉnh Cần Thơ nhập về Vĩnh Long, sau đó lại nhập về Trà Vinh. Cũng năm 1948, chính quyền kháng chiến thành lập thị xã Trà Vinh như  một đơn vị hành chính cấp huyện. Năm 1951, thành lập huyện Duyên Hải.
Giai đoạn 1951 – 1954, chính quyền kháng chiến sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà.




Giai đoạn 1956 – 1958, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Tam Cần, bao gồm các huyện dọc sông Hậu, trong đó có huyện Cầu Kè và Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 1956 – 1975, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình.
Sau ngày thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại kỳ họp thứ nhất, ra Nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Tháng 12/1991, Quốc hội khóa VIII, tại kỳ họp thứ 10, lại ra Nghị quyết chia tách tỉnh Cửu Long. Tỉnh Trà Vinh được tái lập và ổn định địa giới hành chính cho đến ngày nay.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh là một trong 13 tỉnh thành ở khu vực ĐBSCL, có địa bàn nằm giữa sông Tiền, sông Hậu tiếp giáp với biển Đông với diện tích tự nhiên 2.244,22 Km2 và tổng dân số 1.041.002 người (Niên giám Thống kê năm 2006, Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh). Tỉnh Trà Vinh được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Trà Vinh, huyện Càng Long, huyện Cầu Kè, huyện Châu Thành, huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải với 102 xã, phường, thị trấn.
Trong tổng số hơn 1 triệu dân, đa phần là cư dân người Việt, xấp xỉ 30% cư dân người Khmer và khoảng 2% còn lại là đồng bào Hoa. Từ xa xưa, cộng đồng các dân tộc cộng cư trên đất Trà Vinh vốn có truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn. Đây chính là cơ sở, là tiền đề hình thành sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để con người Trà Vinh đủ sức chiến đấu và chiến thắng kẻ thù cũng như hình thành, lưu giữ, kế thừa những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần làm đa dạng phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Có thể nói, đoàn kết – chiến đấu – xây dựng là cái trục xuyên suốt chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử tỉnh Trà Vinh.
Đầu tiên và lâu dài nhất, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã một lòng một dạ chung lưng đâu cật nhau trong công cuộc khai phá thiên nhiên. Dãy rừng hoang vu ngày nào nay đã trở thành những cánh đồng quanh năm vàng bông trĩu hạt, thành những xóm làng trù phú, những khu đô thị trẻ trung tràn đầy sức sống.
Trong lúc cuộc khai hoang lập ấp còn đang tiếp diễn thì cộng đồng các dân tộc Trà Vinh cùng nhân dân cả nước vùng lên chiến đấu trước những kẻ thù xâm lược. Khi thực dân Pháp đặt bàn chân xâm lược lên mảnh đất này, thì gần như ngay lập tức, chúng vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của những người nông dân quanh năm tưởng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán cật cho trời”. Vùng ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải – mà tập trung ở Mương Khai (Mỹ Long), Cồn Ngao (Hiệp Thạnh), Ba Động (Trường Long Hòa) – trở thành những căn cứ nổi tiếng của những cuộc khởi binh dũng liệt Đề Triệu (1867 – 1868), Phan Tôn – Phan Liêm (1868 – 1869), Lê Tấn Kế – Trần Bình (1868 – 1870), Nguyễn Xuân Phụng – Đoàn Công Bửu (1868 – 1874)… Khi các phong trào khởi binh theo xu hướng Cần Vương đi vào chỗ thất bại thì cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nhanh chóng đứng vào những cuộc vận động yêu nước theo ý thức hệ tư sản dân tộc như phong trào Thiên Địa hội, Đông du, Duy tân, Thanh niên cao vọng, Truyền bá chữ quốc ngữ…
Phong trào cách mạng theo ý thức hệ vô sản bén rễ vào vùng đất Trà Vinh từ những năm đầu của thập niên 1920 với các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ ra đời tại Mỹ Long (Cầu Ngang), tỉnh lỵ (thị xã Trà Vinh) và An Trường (Càng Long), mà công lao gầy dựng, tổ chức, phát triển thuộc về nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông (1902 – 2003). Đây cũng chính là những chiếc nôi hình thành các Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (1927), rồi các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (mùa xuân 1930) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Tỉnh ủy Trà Vinh ra đời vào cuối năm 1930 và đến năm 1945, toàn bộ các huyện trong tỉnh đều có các Chi bộ Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Huyện ủy. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào sáng ngày 25/8/1945, gần như cùng lúc với Sài Gòn – Gia Định.
Trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Đảng bộ, lực lượng vũ trang và cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội như trận Cả Chương (1946), trận La Bang (1948), chiến dịch Bắcsama – Cầu Kè (1949), chiến dịch Trà Vinh (mùa xuân 1950)… góp phần cùng nhân dân cả nước đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh, rút quân về nước.
Ngay khi Hiệp định Genève còn chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhanh chân nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm miền Nam, dựng lên chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm nhằm biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Trà Vinh trở thành một trong những trọng điểm đàn áp, khủng bố với những chiến dịch “Tố Cộng”, “Diệt Cộng” mang tên “Sóng tình thương”, “Đồng tâm diệt cộng”… nhắm vào những người kháng chiến cũ và quần chúng yêu nước. Với Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp nơi, đặt Cộng sản và các phong trào yêu nước ra ngoài vòng pháp luật, phát xít hóa bộ máy cai trị. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh kiên trì đấu tranh chính trị, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với bạo lực vũ trang giành quyền làm chủ. Khởi đi từ Mỹ Long (14/9/1960), cuộc Đồng khởi nhanh chóng lan rộng và giành thắng lợi trên phạm vi cả tỉnh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Trà Vinh ngày càng mở rộng với sự ra đời và nhanh chóng trưởng thành của các đơn vị vũ trang như Tiểu đoàn địa phương quân 501, Đại đội địa phương quân 509, Đại đội Đặc công 513, Đại đội Pháo binh 517… cùng các đơn vị địa phương quân huyện, dân quân du kích xã ngày đêm bám dân bám đất làm nòng cốt cho phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh mẽ, đẩy địch vào thế bị động đối phó, góp phần cùng quân dân cả nước làm phá sản các chiến lược chiến tranh Đơn phương, Đặc biệt, Cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của địch.
Trong cuộc Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968, quân dân Trà Vinh đã đồng loạt tiến công, khởi nghĩa vào thị xã và các huyện lỵ. Riêng tại thị xã Trà Vinh, ta đã anh dũng thọc sâu đánh chiếm và là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Tây Nam bộ quân cách mạng làm chủ Dinh Tỉnh trưởng và các mục tiêu trọng yếu khác trong gần 48 giờ liền. Ngay sau đó, đại bộ phận lực lượng vũ trang đã chủ động rút khỏi nội ô, hỗ trợ nhân dân vùng ven nổi dậy giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, tạo cơ sở giữ vững và phát triển cả thế lẫn lực cho chặng cuối cùng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Chính nhờ đó, ngay sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, quân dân Trà Vinh được Trung ương cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc cùng lá cờ mang tám chữ vàng Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công và danh hiệu Trà Vinh anh dũng.
Trong chiến dịch Tổng tiến công – Tổng nổi dậy mùa Xuân 1975, đêm 29/4/1975, các lực lượng vũ trang cách mạng Trà Vinh đã thần tốc tiến chiếm các mục tiêu quan trọng, làm tê liệt ý chí chiến đấu của kẻ thù, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy khởi nghĩa chính trị, đấu tranh binh vận. Với ba mũi giáp công nhuần nhuyễn và sáng tạo, Trà Vinh đã tự lực giải phóng hoàn toàn vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, gần như cùng lúc với Sài Gòn – Gia Định, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước chiến thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với những thành tích to lớn, những chiến công lừng lẫy, tỉnh Trà Vinh có 54 tập thể cùng 24 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong đó, Xã đội phó Tam Ngãi (Cầu Kè) Nguyễn Thị Út (Út Tịch) đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam đánh Mỹ, qua hình tượng “Người mẹ cầm súng”, với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh!”.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, nhất là sau ngày tỉnh nhà được tái lập trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống anh hùng trong kháng chiến ngày đêm ra sức lao động xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy là một tỉnh chưa có điều kiện thuận lợi và mức xuất phát thấp nhưng Đảng bộ, quân dân Trà Vinh không ngừng nỗ lực, tạo ra nhiều thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng… từng bước vươn lên sánh vai cùng các tỉnh thành trong khu vực cũng như cả nước. Nhiều tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Công ty Dược phẩm Trà Vinh, Công an huyện Cầu Ngang, Bưu điện huyện Càng Long, đôi vợ chồng thương binh ¼ Lê Văn Lục – Cam Thị Cúc…
Nếu trong chiến đấu luôn xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm kiên cường thì trong lao động xây dựng đất nước, con người Trà Vinh luôn cần cù, sáng tạo, năng động, vượt lên thử thách đói nghèo, cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung. Tiêu biểu trong số đó là “Vua lúa giống” Dương Văn Châu (Thanh Mỹ, Châu Thành) sở hữu những bộ giống lúa mang tầm vóc quốc qua, “Kình ngư” Sáu Ngân (Hòa Thuận, Châu Thành) cùng cháu con rất thành công trong việc chuyển hướng đánh bắt xa bờ, “Vua măng cụt” Lưu Văn Nhiều (Tân Qui, Cầu Kè) có trong tay hàng chục giải thưởng trái cây ngon khu vực, “Nhà sáng chế chân đất” Trần Văn Dũng (Ngũ Lạc, Duyên Hải) với những chiếc máy đào hút bùn tầng nông cũng như tầng sâu hay chàng “Kỹ sư tay ngang” người Khmer Kiên Hùng (Mỹ Hòa, Cầu Ngang) mày mò chế tạo thành công chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất cát Trà Vinh…
Phát huy truyền thống anh dũng kiên cường trong chiến tranh, cần cù sáng tạo trong dựng xây hòa bình, Đảng bộ, quân dân tỉnh Trà Vinh đã và đang phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa tỉnh nhà theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh






                                                                                                                                    TRẦN DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét