Search with Google

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Xây dựng Trà Vinh thành một trọng điểm phát triển kinh tế biển




Đây là một trong những mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng Trà Vinh thành một trọng điểm phát triển kinh tế biển
Xây dựng tỉnh Trà Vinh trở thành một trong những trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có kết cấu hạ tầng đồng bộ, là một trong những đầu mối phát triển dịch vụ du lịch, vận tải biển...
Đây là một trong những mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, đưa Trà Vinh thoát khỏi tỉnh chậm phát triển và đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng. Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, coi đây là khâu đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 14% thời kỳ 2011-2015 và đạt 15% thời kỳ 2016-2020; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 600 triệu USD vào năm 2020, hình thành một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Về xã hội, giảm mức sinh bình quân hàng năm từ 0,2-0,3%, đến năm 2015, quy mô dân số khoảng 1,031 triệu người và đến năm 2020 khoảng 1,056 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm khoảng 2-3%, đến năm 2020, tỷ lệ này bằng mức bình quân của khu vực ĐBSCL.
Phát triển 3 tiểu vùng kinh tế
Theo Quy hoạch, tỉnh Trà Vinh định hướng tổ chức không gian phát triển theo 3 tiểu vùng.
Tiểu vùng thành phố Trà Vinh và khu vực phụ cận phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; hình thành vùng chuyên canh lúa cao sản, vùng cây ăn quả tập trung; phát triển thành phố Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của Tỉnh; phát triển Khu công nghiệp Long Đức đáp ứng tốt nhu cầu các nhà đầu tư.
Tiểu vùng phù sa ngọt gồm toàn bộ các huyện: Cầu Kè, Càng Long, một phần các huyện: Tiểu Cần, Châu Thành. Tiểu vùng này chủ yếu phát triển về nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa cao sản, cây ăn quả, cây công nghiệp, ổn định diện tích đất trồng lúa, phát triển thuỷ sản nước ngọt.
Tiểu vùng phù sa nhiễm mặn được ngọt hoá và đất mặn ven biển bao gồm toàn bộ các huyện: Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và một phần các huyện: Tiểu Cần, Châu Thành. Đây là tiểu vùng phát triển có tính chất động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng Khu kinh tế Định An thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ gắn cảng, công nghiệp và du lịch của vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Theo www.vinacorp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét