Search with Google

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Mua lại 500 tấn vàng trong dân thế nào?





NHNN phải phát hành số lượng tiền lớn để mua vàng, khiến chỉ số CPI tăng. Điều này chưa phù hợp với chủ trương tập trung kiềm chế lạm phát. Làm thế nào để huy động được lượng vàng hơn 500 tấn đang nằm trong dân để đưa vào nền kinh tế? Ước tính hiện nay người dân đang giữ khoảng trên 500 tấn vàng tương đương quãng trên 20 tỷ USD. Bằng cách nào để Nhà nước sử dụng được số vàng đang nằm trong dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển đang là vấn đề lớn.
Có ý kiến cho rằng nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân hoán đổi ra ngoại tệ bổ sung cho quỹ ngoại hối dự trữ của Nhà nước. Nếu xét về lý thuyết thì việc này có cơ sở vì giá vàng trong nước đã về ngang với giá quốc tế, trong khi đó Nhà nước có chủ trương hạn chế dần và tiến tới không cho phép mua bán vàng miếng trên thị trường tự do.
Tuy nhiên, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại.
Trước tiên cần tính đến việc phát hành tiền ra với số lượng khá lớn để mua vàng sẽ tác động đến chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI). Việc này có thể chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước giai đoạn này là tập trung kiềm chế lạm phát.
Do đó, cần phải có những phân tích sâu về việc tăng cung ứng tiền mua vàng thực chất là phát hành tiền được đảm bảo bằng vàng, ngoại tệ có ảnh hưởng đến lạm phát không, nếu có mức độ ảnh hưởng thế nào. Từ đó, đánh giá mặt lợi, mặt hại của vấn đề này để quyết định. Thực tế cho thấy biện pháp nào cũng có 2 mặt, song nếu "lợi" nhiều hơn "hại" thì vẫn nên lựa chọn.
Thứ hai, cần tính đến rủi ro sẽ rất lớn khi Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ nếu giá vàng thế giới giảm mạnh như những năm 90. Ví dụ khi mua vào giá vàng quốc tế là 1.400 U SD/oz, sau 6 tháng giá vàng thế giới giảm xuống còn 700 hoặc 1.000 USD/oz, khi đó số vàng trong kho không thay đổi về số lượng tuyệt đối song về giá trị quy ra ngoại tệ và VND sẽ giảm mạnh.
An toàn - một trong ba nguyên tắc quản lý ngoại hối dự trữ của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc mua vàng dự trữ trong dân phải được xây dựng thành đề án hoàn chỉnh, đảm bảo số vàng mua được phải thực hiện hoán đổi ra ngoại tệ ngay, càng nhanh càng tốt mới tránh được thiệt hại.
Thứ ba là tâm lý mua vàng tích trữ đề phòng giá cả biến động của người dân đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân. Việc huy động mua vàng của người dân vì thế sẽ không dễ dàng nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chính trị thế giới thiếu ổn định, lạm phát của nhiều nước gia tăng...
Không nên chuyển hết sang vàng trang sức
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho rằng, mục tiêu của Nhà nước là đưa vàng miếng vào thị trường có tổ chức. Cho nên, điều đáng quan tâm hiện nay là lộ trình thực hiện và hình thái thị trường có tổ chức của kinh doanh vàng miếng trong thời gian sắp tới.
Theo ông Long, việc chuyển đổi cần có lộ trình, tốt nhất là nên từ 1-2 năm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu vàng miếng. Những ngày gần đây, trước thông tin chấm dứt kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, nhiều người dân lo lắng vội bán vàng miếng để mua lại vàng vàng trang sức. Mặt hàng này đang bán chạy ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, vàng trang sức khó đảm bảo chất lượng do được sản xuất theo phương pháp thủ công, không rõ thương hiệu và trách nhiệm người sản xuất. Hạn chế mặt hàng này là mua ở đâu phải bán ở đó, đem đến nơi khác là bị đánh thấp tuổi để ép giá mua vào.
"Vì vậy, mong rằng người tiêu dùng hãy bình tĩnh, không nên vội vã đổi ngay vàng miếng lấy vàng trang sức, sẽ chịu những thiệt hại không đáng có", ông Long nói.
Ông Long nhận xét, trong tình hình kinh tế hiện nay, những giải pháp lớn đặt ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP là rất cần thiết và phải quyết tâm thực hiện. Về quản lý kinh doanh vàng miếng của Nhà nước, Hiệp hội sẽ có văn bản đề xuất ý kiến theo hướng làm sao đảm bảo quyền lợi người dân. Đồng thời, kiến nghị việc nhập khẩu vàng nên gom lại một đầu mối do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Song song đó, cần hình thành quỹ vàng từ hai nguồn là vàng nhập khẩu và vàng mua trong dân hoặc tiết kiệm… và có thể điều tiết quỹ này, khi cần và khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế thì xuất khẩu để thu ngoại tệ về. Quỹ vàng này có thể dùng như quỹ phụ trợ cho quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Để đưa vàng miếng vào thị trường có tổ chức, về đầu ra, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sử dụng mạng lưới các ngân hàng có kinh doanh vàng, các doanh nghiệp vàng có uy tín và những doanh nghiệp này sẽ tổ chức các đại lý của mình.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng. Bởi theo tôi, tốt nhất là khi hạn chế “vàng vật chất” thì nên cho phép “vàng tài khoản”, có sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, thành viên tham gia sở giao dịch vàng là các công ty, các ngân hàng và cho ký quỹ với tỉ lệ cao để tránh rủi ro. Rút kinh nghiệm sàn vàng trước đây, sở giao dịch vàng cần có quy chế quản lý và được pháp luật hóa rõ ràng.
Theo Vef




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét