Search with Google

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Mỹ và các nước giầu bị cảnh cáo về số nợ cao ngất ngưởng






DR

Mai Vân
Chủ đề nổi bật trên trang nhất hôm nay khá tản mạn đi từ sức mua của người Pháp, cải tổ tại Cuba, cho đến ‘những lời tâm tình của Liliane Bettencourt’, chủ nhân tập đoàn Mỹ phẩm L’Oréal, như Le Figaro chạy tít lớn trang nhất. Đáng chú ý là lãnh vực tài chính, với khối nợ cao ngất ngưởng của các nước giàu đứng đầu là Mỹ.


Các báo Pháp đã bình luận rộng rãi sự kiện cơ quan thầm định tài chính Standard & Poor’s đã đe doạ hạ thấp điểm tín nhiệm của Hoa Kỳ do món nợ khổng lồ hiện nay của nước Mỹ, cho dù trước mắt S&P vẫn duy trì điểm AAA (3 A), vốn dành cho các quốc gia vay nợ đáng tin cậy. Thế nhưng, theo cơ quan thẫm định này, có nhiều khả năng là Hoa Kỳ sẽ không còn xứng đáng với điểm cao này trong vòng 2 năm tới đây.
Dĩ nhiên không phải chỉ có Hoa Kỳ, mà các nước giàu Châu Âu cũng bị nợ nần chồng chất. Le Monde trong hàng tựa lớn trang đầu nói đến « Lời cảnh báo chưa từng thấy về món nợ các nền kinh tế Tây phương ». Tờ báo trích dẫn số liệu của IMF cho thấy chuyển biến của món nợ của Hoa Kỳ trong 20 năm qua : từ 72,4% GDP năm 1993, hạ dần trong thời Clinton để xuống 54,7% vào năm 2001, tăng trở lại thời George W.Bush, lên đến 84,6% năm 2009 vào thời điểm Obama và dự kiến sẽ lên đến 99,5% vào năm 2011 này.
Le Monde nhắc lại đây là lần đầu tiên mà trong lịch sử của mình, Hoa Kỳ bị đe dọa hạ điểm như thế. Một điều đáng nói khác : Mỹ là quốc gia lớn duy nhất trong số được điểm AAA, bị đe doạ như vậy, và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ.
Le Monde cũng đi một vòng xem ai là chủ nợ của Hoa Kỳ : Đứng đầu vẫn là Trung Quốc, nắm đến 895,6 tỷ đô la công trái phiếu Mỹ, kế đến là Nhật Bản với 877,2 tỷ, đứng hạng 3 là Anh Quốc 511,8 tỷ, rồi đến các nước xuất khẩu dầu hoả là 210,4 tỷ. Trong những nước nắm trên 100 tỷ phải liệt kê từ Brazil, Nga cho đến Đài Loan, Thụy Sĩ... Theo Le Monde, như thế là năm 2010, tổng cộng món nợ của Hoa Kỳ là 13 419 tỷ đô la.
Cho nên, về hệ quả của tình trạng này, Libération nói đến việc Trung Quốc rất lo ngại trước món nợ ngày càng cao vút lên của Mỹ. Trong lúc đó, L’Humanité đã nhìn thấy : ‘‘Mỹ đang trên con đường siêu thắt lưng buộc bụng’’.
Theo tờ báo đánh giá của Standard & Poor’s, gây bối rối không ít cho ông Obama trong khi mà Nhà Trắng và phiá đảng Cộng Hoà vẫn chưa đạt được thoả thuận trong kế hoạch tiết kiệm.
Trong tình hình đó, Les Echos nêu bật sự kiện tổng thống Mỹ đã phải đi vận động cho kế hoạch tiết kiệm ngân sách 4000 tỷ đô la của ông. Về các nước chủ nợ, tờ báo nhìn thấy Nhật Bản vẫn tỏ ra tin tưởng : Tokyo loan báo tiếp tục mua công khố phiếu Mỹ. 
Tín hiệu cảnh tỉnh các nền kinh tế phương Tây
 Riêng tờ La Croix, trong bài xã luận tựa đề « Tín hiệu (cảnh báo) », đã nhắc lại là không ai có thể tưởng tượng là Hoa Kỳ một ngày nào đó lại có thể không đủ khả năng trả nợ, và cho đến giờ thì cũng không ai nghĩ là một cơ quan thẩm định tài chính lớn lại có thể nghi ngờ về sự vững chắc tài chính của Mỹ như vậy.
Tuy nhiên, La Croix cho là người ta cũng có thể giảm nhẹ tầm quan trọng của đánh giá này. Những người không xem nó là quan trọng sẽ nêu bật nhũng sai lầm trong đánh giá các cơ quan thẩm định trong nhũng năm gần đây, như trong vụ tín dụng điạ ốc ‘subprimes’, đã gây nên khủng hoảng tài chính 2007- 2008. 
Tờ báo cũng nhìn thấy tính chất ‘chiến thuật’ trong thông cáo của Standard & Poor’s, là muốn thúc đẩy các phe Dân chủ và Cộng hoà ở Mỹ nhanh chóng thoả hiệp trên việc giảm thâm thủng ngân sách. 
Một yếu tố khác khiến La Croix không mấy lo ngại là Hoa Kỳ vẫn có thể in thêm bạc để giảm nhẹ phần món nợ, cho dù phải gây ra lạm phát. Đây là đặc quyền đặc lợi của chủ nhân đồng đô la, đồng tiền chính của các cuộc trao đổi trên thế giới. 
Tuy nhiên La Croix nhận thấy S & P đã đưa ra lời cảnh tỉnh đối với các nền kinh tế Tây phương. Lời cảnh cáo đối với Hoa Kỳ là cho dù là họ là cường quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là muốn làm gì làm, và ngày nào đó cũng sẽ phải trả nợ. 
Nhưng tình hình làm La Croix quan ngại lại liên quan đến « Sức mua của người Pháp, một mối đau đầu ». Tờ báo không thấy có biện pháp nào để cải thiện tình hình : tăng trưởng thấp, giá nguyên liệu gia tăng, ngân sách thâm thủng. Theo La Croix, bối cảnh kinh tế hiện thời không thuận lợi cho việc tăng lương hướng và sức mua người Pháp. Chính phủ thông báo không tăng chỉ số lương công chức. 
Cuba : Từ Castro đến Castro ! 
Libération hôm nay dành hồ sơ lớn cho Cuba, vừa kết thúc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ VI, và thông qua những cải tổ về kinh tế cũng như nhân sự. Tờ báo tóm lược sự thay đổi qua hàng tít hóm hỉnh : "Sau Castro là Castro", bên dưới bức ảnh chụp hai anh em Castro với dòng giải thích : Sau 46 năm đứng đầu Đảng Cộng Sản Cuba, Fidel Castro nhường chỗ lại cho người em Raul. 
Chú ý đến khúc quanh kinh tế ở Cuba, Libération nhắc lại là từ mấy tháng qua, người dân Cuba được phép hành nghề trong một số lãnh vực, và bắt đầu làm quen với kinh tế ‘tự do’. Theo tờ báo có 178 nghề được tự do hoá. 
Trong bài phóng sự dài tại La Habana, phóng viên của Libération đã gặp nhũng người hân hoan, như người ‘nghệ sĩ’’ tự xưng là Wilky, khoe là giờ đây ông có được giấy phép, tự do hành nghề, không lệ thuộc vào ai nữa. Giấy phép ghi nghề của ông là ‘‘diễn viên múa’’, và ông trổ tài ở quảng trường Nhà Thờ ở La Habana. Dáng dấp lạ lùng của ông với chòm râu bạc đã thu hút du khách, không ngớt chụp ảnh với ông. Wilky cho biết là ngày ‘hên’ thì ông kiếm được đến 60 pesos chuyển đổi, có nghĩa là gấp 3 lần lương một bác sĩ công. 
Có người hân hoan nhưng cũng có người thận trọng : như José Luis, thợ đóng giầy, không tin là chính phủ sẽ để yên cho họ làm giàu. Nhiều người cho là những cải tổ này đến quá trễ. Theo họ : « Người dân Cuba trong suốt một nửa thế kỷ sống trong sự trợ cấp, giờ đây thì ngày một ngày hai, kêu họ tự xoay sở, tự kinh doanh thì làm sao họ có thể làm được ». 
Trong bài xã luận Libération tỏ vẻ gay gắt đối với chế độ Cuba : trong lúc mà thế giới Ả rập tự sáng tạo cho mình một mùa xuân tự do, và trong lúc mà từ 20 năm qua phần còn lại của châu Mỹ đã trở nên dân chủ, thì Raul Castro chỉ mới cho phép những người sửa xe đạp hành nghề, những quán bán Pizza được mở cửa. 
Người ta có thể mỉm cười trước các biện pháp đó nếu không có cả 12 triệu người phải sống dưới chế độ độc tài Castro từ 40 năm qua. Libération nhìn thấy là dân Cuba đáng được hưởng một chế độ khác hơn là một chủ nghiã cộng sản đã hụt hơi, gia đình trị và móc ngoặc. 
Nhật Bản : Thảm trạng nạn nhân thiên tai không được đoái hoài
Về Châu Á, le Figaro cho biết là tập đoàn hạt nhân Pháp Areva đã giúp Fukushima khử phóng xạ trong khối lượng 70.000 tấn nước bị nhiễm xạ tại lò hạt nhân. Le Figaro còn cho biết thêm vấn đề tài chính chưa được đặt ra giữa hai bên. Tập đoàn Pháp để phiá Nhật tính toán khâu tiền nong này. 
Tờ Le Monde hôm nay thì đưa độc giả đến một vùng bị sóng thần tàn phá tiêu điều : vùng bán đảo Oshika. Cư dân tại đây có khoảng 4.500 người, chủ yếu sống về nghề cá, săn bắt cá voi. Trên số này thì hết 2/3 không còn nhà cửa gì cả. Người dân kể lại với phóng viên Le Monde, là sóng thần tại đây không phải là cao 10 mét, mà một số nơi sóng lên đến hơn 20 mét. 
Trước tai hoạ tháng 3, vùng này là một trong những nơi hiếm hoi tại Nhật mà người dân có thể sống sung túc với nguồn thu nhập từ ngành cá và hải sản.
Bây giờ thì nhà tan cửa nát, tàu bè bị phá hủy. Điều càng làm người dân ở đây chua xót hơn nữa như một lãnh đạo hợp tác xã trước đây, ông Senshi Kimura, giải thích với tờ báo : « Những người thấp cổ bé miệng như chúng tôi đã bị bỏ rơi. Chính phủ chỉ lo cho các nhà máy điện hạt nhân ». Họ thật sư lâm vào cảnh đường cùng.
Theo Le Monde, hiện nay chỉ còn 23 ngôi nhà là chưa sập, điện thì một tháng sau thiên tai vẫn chưa có. Tại một nơi chuyên sống về nghề cá, ngư dân chưa thể ra biển. Theo ông Kimura, họ còn 13 chiếc tàu có thể ra khơi, nhưng không thể bắt cá : thì hài nạn nhân sóng thần vẫn còn được tìm thấy ngoài biển, và cá bé, cá lớn đều bị nhiễm phóng xạ từ Fukushima. 
Bảo hiểm không bồi thường thiệt hại do thiên tai. Họ cũng không thể trông chờ vào chính phủ. Không biết họ sẽ phải xoay sở ra sao. Theo le Monde, thì phải mất hai năm nữa mới thấy rong biển trở lại trong vùng, 4 năm đối với các loại sò ốc. 
Còn đi nơi khác thì nhiều ngươì cũng không nghĩ đến, như một bà cụ giải thích : « Đi đâu bây giờ ? ». Gia đình bà ở đây đến 3 thế hệ. Ngày mai ư ? Đơn giản thôi : « Tiếp tục dọn sạch, sau đó hãy hay ». Bà cụ nói thêm : « Cha ông chúng tôi trước đây đã sống ở nơi này chỉ với một bữa ăn mà thôi ».
Thủy triều đen trên Vịnh Mêhicô : cơn giận chưa nguôi
Cũng như các đồng nghiệp, Le Monde còn trở lại một sự cố gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trưồng : tai nạn tại giàn khoan tập đoàn BP ở vịnh Mêhicô, cách nay đúng một năm, gây ra nạn thủy triều đen tác hại đến bờ biển từ Florida cho đến Alabama, Mississipi, Louisiana... Nhìn chung báo Pháp không mấy lạc quan. 
Le Monde đã tóm lược tình hình với hàng tít ghi nhận : « Một năm sau nỗi phẫn nộ của người dân vùng bị ô nhiễm vẫn nguyên vẹn ». Tờ báo trích lời một phóng viên tại chỗ, Serri Tercovich, cho là nếu hỏi ngư dân tại đây nếu phải sống lại cơn bão Katrina hay thủy triều đen thì tất cả sẽ chọn Katrina. 
Chính phủ Mỹ đã lên tiếng bảo đảm là hải sản ở vịnh Mehicô không bi nhiễm độc, nhưng một ngư phủ ra biển cách đây hai tuần đã bắt gặp một giải bọt trắng dầy, kéo dài trên hơn một cây số rưỡi, và quyết định không ăn cá nữa. 
Về mặt chính thức thì chỉ còn 160 cây số bờ biển là bị ô nhiễm trên tổng số 1.500 cây số cách đây một năm. Nhưng cư dân trong vùng lo ngại là chất nhựa còn đấy, chìm sâu bên dưới. Dĩ nhiên họ không còn tin tưởng vào những thông báo chính thức. Mặt khác thì còn những khoản bồi thường của tập đoàn BP. 
Một nhân vật, ông Kenneth Feinberg, đã được chính quyền Mỹ đề cử đặc trách các hồ sơ xin bồi thuờng, làm trung gian giữa BP và nạn nhân. Cho dù ông đã bồi thường 2,7 tỷ đô la cho nạn nhân, nhưng hiện nay ông vẫn bị tố cáo phục vụ cho BP, quyết định một cách độc đoán các khoản bồi thường, tìm cách thương lượng với nạn nhân hầu giới hạn các vụ kiện cáo ra trước toà án. 
Bấy nhiêu sự kiện dồn nén đã làm ngư dân tức giận, họ mất tiền, mất tin tưởng...


(RFI : http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110420-my-va-cac-nuoc-giau-bi-canh-cao-ve-so-no-cao-ngat-nguong) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét