Search with Google

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Việt Nam nói Mỹ và châu Âu 'thiếu khách quan'




Ông Cù Huy Hà Vũ tại tòa
Phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ đã bị nước ngoài chỉ trích
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói
báo cáo của Anh quốc và Hoa Kỳ, cũng như tuyên bố của EU về nhân quyền Việt Nam, là dựa trên thông tin sai lệch.
Mới đây bộ ngoại giao hai nước Anh và Mỹ đã ra phúc trình nhân quyền 2010, trong có nhiều ý kiến chỉ trích đối với chính phủ Việt Nam.
Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội cũng vừa đưa ra tuyên bố nhân vụ xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, nói phán quyết của tòa án Việt Nam là "không phù hợp với công ước quốc tế về nhân quyền".
Cuối tuần rồi, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói các nhận xét của châu Âu và Hoa Kỳ là "đáng tiếc".
Bà Phương Nga nói: "Đáng tiếc là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Anh, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và một vài tổ chức đã có những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch..."
Bà cũng gọi các nhận xét của các quốc gia và tổ chức nước ngoài là "không phản ánh chính xác tình hình và có những ý kiến can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".
Như những lần trước, khi phản bác chỉ trích của bên ngoài về tình hình nhân quyền trong nước, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: "Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của người dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật và được đảm bảo trên thực tế".

Hợp tác về nhân quyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói Việt Nam đã đối thoại với các bên về vấn đề nhân quyền trong "tinh thần hợp tác, nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau".
Hợp tác trong lĩnh vực nhạy cảm này cũng là điều mà đại diện Liên minh châu Âu trong tuyên bố ra ngày 06/04 nhắc tới: "EU nhắc lại sự sẵn sàng của mình trong việc tiếp tục hợp tác với Việt Nam bao gồm cả việc đối thoại và hỗ trợ thiết thực để cải thiện việc đánh giá và tôn trọng nhân quyền".
Quyền tự do ngôn luận và minh bạch chính trị ở Việt Nam không có cải thiện trong năm 2010.
Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Anh năm 2010
Trên thực tế cơ chế đối thoại về nhân quyền đã được Việt Nam thực hiện với các nước đối tác lớn một thời gian nay, nhưng những phát ngôn mới rồi cho thấy giữa các bên vẫn còn nhiều khoảng cách.
Trong phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới năm 2010 ra vào tháng Ba, Bộ Ngoại giao Anh nhận rằng quyền tự do ngôn luận và minh bạch chính trị ở Việt Nam "không có cải thiện" trong năm 2010.
Phúc trình này chỉ ra những điều bị cho là yếu kém như thiếu minh bạch gây tham nhũng, tình trạng bạo hành nhất là trong giới công quyền, việc tiếp tục kết án tử hình và việc bắt giam và bỏ tù những người chỉ biểu lộ chính kiến một cách hòa bình.
Bản báo cáo tiết lộ: "Trong năm 2010, chúng tôi và các đối tác trong EU đã nhiều lần đề nghị nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhân viên ngoại giao châu Âu vào thăm phạm nhân trong trại giam nhưng tất cả các đề nghị đều bị từ chối".
Danh sách các phạm nhân bị bắt vì biểu lộ chính kiến một cách hòa bình, trong đó có các blogger, nhà vận động chính trị và luật sư, mà EU có trong tay bao gồm 44 nhân vật.
Bộ Ngoại giao Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hạn chế tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Phúc trình 2010 viết: "Chính quyền đã siết chặt kiểm soát để kiểm duyệt thông tin, tin tức trên mạng, các website kết nối xã hội và theo dõi việc sử dụng cũng như tiếp cận mạng internet".
Bộ Ngoại giao Anh nói trang BBC Vietnamese đã thường xuyên bị kiểm soát truy cập.

(Nguồn : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/04/110411_viet_humanrights.shtml)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét