Search with Google

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Cổ đông lớn thoái vốn: Bất thường và bình thường






Việc thoái vốn khỏi VIX và phần lớn khoản thoái vốn quy mô lớn khác được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận - Ảnh: Hoài Nam


Ngày 4/4, Sở GDCK Hà Nội thông báo 7 cổ đông lớn của CTCK Vincom (VIX) đã bán 75,54% cổ phần tại công ty này. Điều đáng lưu tâm là số cổ phiếu VIX này được mua trước đó chỉ hơn một tháng. Không chỉ VIX, nhiều NĐT lớn đã và đang đẩy mạnh hoạt động thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp khác. Hiện tượng này nên được xem là bất thường hay bình thường?



Tấp nập những cuộc bán, mua

Cách đây vài tháng, câu chuyện về CTCK Vincom đã tốn nhiều giấy mực của báo giới khi CTCP Vincom (VIC) - cổ đông lớn nắm 75% vốn, tuyên bố dừng hoạt động của VIX tại Hà Nội, chuyển vào TP. HCM và tiến tới thoái toàn bộ vốn. Bước thứ nhất của kế hoạch đã hoàn tất từ cuối năm 2010. Trong tuần đầu tiên của tháng 3/2011, cổ đông sáng lập của VIX đã thực hiện 3 đợt bán ra, nhanh chóng giảm số lượng cổ phiếu VIX nắm giữ từ 22,5 triệu xuống 3 triệu. Nhưng chỉ hơn 1 tuần sau, các NĐT vừa mua cổ phiếu VIX lại đăng ký bán ra cổ phiếu này.

Hai trường hợp khác cũng gây sự chú ý đặc biệt vào cuối năm 2010 là Tập đoàn Bourbon chuyển nhượng toàn bộ 68,52% vốn cổ phần của CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT). Cùng thời điểm đó, Ngân hàng Sacombank (STB) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM) từ 42,66% xuống còn 10,5%.

Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước còn diễn ra nhanh hơn. Tiêu biểu trong số này có thể kể đến CTCP Tài chính Dầu khí (PVF) và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX) đăng ký bán ra nhiều cổ phiếu "họ dầu khí"; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vừa thoái toàn bộ 40% vốn cổ phần tại CTCK Cao su. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đăng ký thoái hơn 5% vốn tại CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC). Mới nhất, trong ĐHCĐ của CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP), cổ đông lớn Vinashin khẳng định sẽ tiếp tục lộ trình thoái vốn khỏi công ty này.

Làn sóng thoái vốn không chỉ dừng lại ở các cổ đông lớn là tổ chức như nói trên mà còn lan sang các cổ đông lớn là cá nhân. Một cổ đông cá nhân tại CTCP XNK Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) đăng ký thoái toàn bộ 6,67% cổ phần FBT đang nắm giữ; một cổ đông tại CTCP Vinpearl (VPL) đăng ký bán ra 16,2 triệu cổ phiếu VPL; cổ đông lớn của CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), CTCP Tập đoàn Đại dương (OGC) cũng đăng ký bán ra… Hiện tượng thoái vốn trên diện rộng dường như là một dấu hiệu khá bất thường lúc thị trường trầm lắng.



Ảnh hưởng đến thị trường

Sau gần mười lăm năm gắn bó với thị trường Việt Nam, Tập đoàn Bourbon đã chính thức nói lời chia tay chưa hẹn ngày trở lại. Điều đáng quan tâm là mức giá thoái vốn của Bourbon ngang mệnh giá, tương đương với khoản vốn góp của đối tác Pháp cách đây 10 năm. Tương tự, sau 6 năm trời cùng đồng hành với Dragon Capital trên cương vị cổ đông sáng lập công ty quản lý quỹ liên doanh đầu tiên ở Việt Nam, Sacombank đã thoái gần hết vốn. Chắc chắn đây không phải là thời điểm thuận lợi nhất để kết thúc một thương vụ đầu tư, vậy tại sao nhiều cổ đông sáng lập nói lời chia tay với DN như thế?

Trong thông cáo báo chí của Bourbon, Tập đoàn cho biết, việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại SBT là nhằm tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ tại Pháp. CTCP Vincom lý giải việc thoái vốn tại VIX nhằm tập trung cho mảng kinh doanh lõi là bất động sản sau khi từ bỏ tham vọng thành lập tập đoàn với 3 mũi nhọn bất động sản - tài chính - bảo hiểm. Về phía Sacombank, không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra nhưng một đại diện của VFM giải thích, ngân hàng này phải tuân thủ các quy định trong Thông tư 13/2010/TT-NHNN… Tái cơ cấu hoạt động là lý do giải thích cho các thương vụ chào bán lớn. Lý do này khiến các "cuộc chia tay" trở nên bình thường.

Làn sóng thoái vốn có ảnh hưởng đến thị trường? Cổ phiếu VIX được giao dịch thỏa thuận và xoay quanh mệnh giá khi cổ đông sáng lập thoái vốn. Tập đoàn Bourbon chuyển nhượng thỏa thuận 97 triệu cổ phiếu SBT cho một nhóm NĐT nội địa trong nước thậm chí còn thấp hơn giá cổ phiếu SBT trên sàn khi đó khoảng 20%. Tương tự, Sacombank thoái vốn tại VFM ngang giá trị sổ sách, người mua là một CTCK hàng đầu và chính... VFM. Hai cổ đông cá nhân giao dịch thỏa thuận để chuyển nhượng 6,67% cổ phần tại FBT.

Tại VSP, ông Nguyễn Duy Hùng, tân Chủ tịch HĐQT VSP cho biết, Vinashin sẽ không thoái vốn trực tiếp bằng mọi giá. Vài năm trước, Vinashin mắc nợ VSP khoản tiền đóng 2 tàu mới nhưng đơn vị này đang gặp khó khăn nên thống nhất chuyển nhượng hơn 5 triệu cổ phiếu VSP nhằm bù trừ khoản nợ. Số cổ phiếu này sẽ chọn thời điểm thích hợp để chuyển nhượng.

Phần lớn khoản thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận và điều này không gây áp lực trực tiếp đến thị trường. Tuy nhiên mới đây, hết thời hạn đăng ký, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng công bố không giao dịch thành công số cổ phiếu MHC rao bán do thị trường quá xấu và mức giá không như kỳ vọng. Điều này cho thấy, hoạt động tái cơ cấu diễn ra khắp nơi nhưng kể cả việc chọn cách thoái vốn qua sàn, cổ đông lớn không dễ chấp nhận bán rẻ bằng mọi giá.

 Ngọc Giang



"Có cả 1.001 lý do để các cổ đông thực hiện thoái vốn, do vậy không nên chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài để suy diễn bản chất bên trong của sự việc"

Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán



Việc các cổ đông lớn thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp phải được nhìn nhận và xét đoán trên nhiều khía cạnh, bởi có cả 1.001 lý do để các cổ đông thực hiện thoái vốn. Do vậy không chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài để suy diễn bản chất bên trong của sự việc. Tuy nhiên, trên thực tế, đây đều là các cổ đông nội bộ nắm những thông tin trọng yếu của doanh nghiệp niêm yết, việc bán cổ phần của những nhà đầu tư lớn này muốn hay không đều gây ra tác động tâm lý tới thị trường, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trước hết, điều mà chúng ta phải quan tâm là doanh nghiệp đó làm ăn như thế nào, cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn rất tốt nhưng một số cổ đông lớn vẫn buộc phải thực hiện thoái vốn do có nhu cầu khác còn cấp bách hơn đối với họ. Đôi khi là những trường hợp bất khả kháng, tôi dẫn chứng trường hợp Nhật Bản do gặp thảm họa động đất và sóng thần vừa qua nên phải cần một nguồn vốn nhất định để tái thiết nền kinh tế của mình. Do vậy, Nhật đang có dự định cắt giảm 20% nguồn vốn viện trợ ODA cho nước ngoài trong thời gian tới. Điều này cho thấy, không phải nền kinh tế ở các nước  (trong đó có Việt Nam) mà Nhật đang đầu tư  yếu kém đi, mà việc cắt giảm đầu tư là có lý do nhất định. Nói vậy để dẫn chứng rằng, cần phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao các cổ đông lớn thoái vốn tại các doanh nghiệp.



Trường hợp Tập đoàn Bourbon thoái vốn tại SBT là do tập đoàn này muốn chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác, chứ không hẳn SBT làm ăn không hiệu quả. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp làm ăn rất hiệu quả nhưng một số cổ đông lớn khác vẫn thực hiện thoái vốn, đơn cử như trường hợp Công ty PGS & PVG thoái 16,75% vốn tại CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD)… Còn việc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên đôi khi xuất phát từ chỉ thị của Chính phủ, chứ không xuất phát từ mục đích của các doanh nghiệp.



Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, khi một doanh nghiệp có nhiều cổ đông thực hiện thoái vốn cũng đồng nghĩa với việc các cổ đông này sẽ không còn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian qua, không chỉ các cổ đông lớn mà nhiều cổ đông là lãnh đạo doanh nghiệp cũng tranh thủ thị trường ấm lại để bán cổ phiếu. Vậy nên, tùy vào từng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tự suy xét để có những quyết định đầu tư phù hợp.
Hải Vân thực hiện

(Source : http://www.baomoi.com/Home/ChungKhoan/tinnhanhchungkhoan.vn/Co-dong-lon-thoai-von-Bat-thuong-va-binh-thuong/6054646.epi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét