Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định sẽ phải phá hủy Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, theo Kyodo News ngày 31-3.
Các chuyên viên Nhật thu thập mẫu đất trong địa phận tỉnh Fukushima để kiểm tra mức độ phóng xạ - Ảnh: AP |
Xem lại toàn bộ 55 lò phản ứng hạt nhân Ngày 31-3, Thủ tướng Naoto Kan cho biết ông sẽ xem xét lại kế hoạch xây dựng của ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Trong kế hoạch phát triển năng lượng tháng 6-2010, Nhật Bản định hướng lấy năng lượng hạt nhân làm nguồn năng lượng chính trong trung và dài hạn, và đặt mục tiêu xây dựng 14 lò phản ứng đến năm 2030, 9 lò trong số này sẽ hoàn thành năm 2020. Trước đó, Chính phủ Nhật cũng đã yêu cầu phải tăng cường tiêu chuẩn an toàn đối với tất cả 55 lò phản ứng hạt nhân trên toàn quốc ngay lập tức. H.Vân (Kyodo, AFP) |
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cũng thừa nhận không tránh khỏi phải phá hủy bốn lò phản ứng của nhà máy một khi hoàn tất các chiến dịch làm nguội đầy gian khổ đang thực hiện có thể kéo dài nhiều tháng.
Đài truyền hình NHK đưa tin chính quyền đã lên kế hoạch chôn nhà máy bằng cách bao phủ các lò phản ứng bằng một loại hợp chất đặc biệt, sau đó trùm thêm một lớp vải dầu công nghệ cao nhằm ngăn chặn phóng xạ rò rỉ ra ngoài.
Đây là những bước mà các kỹ sư Liên Xô từng thực hiện để xử lý thảm họa Chernobyl. Cuối cùng họ đã chôn vùi Nhà máy Chernobyl trong một “quan tài” bằng bêtông khổng lồ. Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano thừa nhận chính quyền đã tính đến phương án này.
Các chuyên gia cho biết thời gian xử lý thảm họa Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ lâu hơn nhiều so với quãng thời gian 12 năm Mỹ trải qua để xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile. Theo NHK, một số chuyên gia ước tính Nhật phải mất 30 năm và 12 tỉ USD để chôn vùi Nhà máy Fukushima Daiichi và làm sạch khu vực này.
Theo báo Asahi, hiện nhà chức trách Nhật vẫn chưa thể thu gom 1.000 thi thể nạn nhân động đất - sóng thần ở khu vực cách Nhà máy Fukushima Daiichi 20km do tình trạng ô nhiễm phóng xạ. Một số nguồn tin từ chính quyền Nhật cho biết các thi thể này đã nhiễm phóng xạ ở mức độ cao. Trước đó, các nhân viên cứu hộ tìm thấy một thi thể cách nhà máy chỉ 5km bị nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Các chuyên gia cho biết kể cả sau khi thu gom được các thi thể thì việc xử lý cũng hết sức khó khăn. Hỏa thiêu có thể tạo ra khói chứa phóng xạ, chôn xuống đất thì phóng xạ sẽ nhiễm vào đất.
Nước nhiễm xạ tiếp tục rò rỉ ra biển
Các chuyên gia TEPCO, như NHK cho biết, đã phát hiện đồng vị phóng xạ iodine-131 trong nước biển ở khu vực cách nhà máy 330m cao gấp 4.385 lần mức độ cho phép, cao hơn rất nhiều so với con số 3.355 lần của ngày 29-3.
Chu kỳ bán rã của iodine-131 là tám ngày. Tuy nhiên trong nước biển phóng xạ cesium-137, có chu kỳ bán rã lên tới 30 năm, cũng cao hơn mức cho phép 527 lần. Cơ quan an toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật (NISA) hiện đang theo dõi nước biển ở các địa điểm cách nhà máy 15km, trong khi Bộ Khoa học Nhật Bản khảo sát nước biển ở địa điểm cách nhà máy 30km.
Phó giám đốc NISA Hidehiko Nishiyama thừa nhận mức độ phóng xạ trong nước biển tăng vọt cho thấy nước nhiễm xạ từ nhà máy đang tiếp tục rò rỉ ra biển. Hiện các kỹ sư TEPCO vẫn chưa phát hiện được nước nhiễm xạ tràn ra biển bằng đường nào. Hôm qua, các công nhân tiếp tục hút 150 tấn nước nhiễm xạ từ đường hầm lò phản ứng số 1 vào một bể nước lớn để ngăn phóng xạ lan ra biển.
Trước đó các công nhân cũng đã hút một lượng lớn nước nhiễm xạ từ tầng hầm tòa nhà chứa lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, hoạt động hút nước diễn ra chậm chạp do các bể chứa đã đầy nước. Báo Mainichi cho biết lượng nước nhiễm xạ ở Nhà máy Fukushima Daiichi lên đến hàng ngàn tấn.
TEPCO đã định rải nhựa lên các đống đổ nát ở Nhà máy Fukushima Daiichi để ngăn chặn nguy cơ bụi phóng xạ bay vào không khí. Tuy nhiên, hoạt động này bị ngừng trệ do mưa lớn đổ xuống.
Dự kiến TEPCO sẽ rải 60.000 lít nhựa vào sườn phía nam và phía tây lò phản ứng số 4 trong vòng hai tuần. Mỹ cũng cho Nhật mượn robot từng được sử dụng trên các chiến trường Iraq và Afghanistan để dò tìm, quay phim và dọn dẹp đổ nát ở các tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân, nơi người bình thường không thể vào được do mức phóng xạ quá cao.
AFP cho biết mới đây nhà chức trách Nhật đã phát hiện đồng vị phóng xạ cesium-137 trong cá trổng ở vùng Chiba gần Tokyo, nhưng mức độ rất thấp và không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Hàn Quốc cũng phát hiện phóng xạ thấp trong thực phẩm nhập từ Nhật. Mỹ tìm thấy lượng phóng xạ rất nhỏ trong sữa ở vùng bờ tây nước này, trong khi Singapore thông báo tìm thấy phóng xạ cao hơn mức bình thường tới chín lần trong bắp cải. Phóng xạ mức độ thấp trong không khí cũng đã lan khắp Trung Quốc.
Tỉ lệ phóng xạ không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đã dẫn tới tâm lý e ngại hàng hóa Nhật.
Phát hiện mức phóng xạ cao cách nhà máy 40km
Theo Kyodo News, ngày 31-3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phát hiện phóng xạ ở mức độ cao tại làng Iitate, cách Nhà máy Fukushima Daiichi khoảng 40km về phía tây bắc. Tỉ lệ phóng xạ ở làng Iitate vào khoảng 2 megabecquerel/m2, cao gấp đôi mức độ cần phải di tản.
Do đó, IAEA và NISA đều đề nghị chính quyền Tokyo mở rộng phạm vi di tản người dân ở khu vực quanh Nhà máy Fukushima Daiichi.
G8 sẽ thảo luận về khủng hoảng hạt nhân Ngày 31-3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản kể từ khi nước này bị động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Ông và Thủ tướng Naoto Kan đã nhất trí vấn đề Nhà máy Fukushima Daiichi là một trong những trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn của thế giới (G8) tại Pháp vào tháng 5-2011. Hai bên cũng đồng ý đưa ra các tiêu chuẩn an toàn quốc tế mới cho các nhà máy hạt nhân vào cuối năm 2011. Pháp - nước có số nhà máy điện hạt nhân đứng thứ hai thế giới - cũng đề nghị hỗ trợ chuyên môn và thiết bị cho Nhật Bản để giúp nước này kiểm soát tình hình hiện nay. Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định cử 140 thành viên thuộc lực lượng Đối phó với tai nạn hóa sinh học hỗ trợ Nhật cứu hộ, làm sạch môi trường. H.N. (Theo NHK) Kiểm tra thủy sản nhập từ Nhật Ngày 31-3, đoàn kiểm tra liên ngành của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN), Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cơ quan thú y vùng II đã kiểm tra một số mặt hàng thủy sản tại Hải Phòng. Đoàn đã đo mức nhiễm xạ Cs-137 và I-131 của 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật Bản tại bốn doanh nghiệp ở Hải Phòng. Sau khi có kết quả đo kiểm, đoàn đã niêm phong để so sánh với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam trước khi có kết luận cuối cùng về các lô hàng thủy sản này. M.Q. |
HIẾU TRUNG
(tuoitre)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét