Search with Google

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Phải phá vỡ vòng xoáy lạm phát





Dường như vòng xoáy lạm phát hết sức nguy hiểm này đã được khởi động và nếu không kịp thời phá vỡ ngay vòng xoáy này và chặn lạm phát một cách kiên quyết thì có thể trở tay không kịp.

Từ 24/2 đến 29/3/2011 giá xăng dầu đã tăng hai lần. Lần đầu giá xăng từ 16.400 đồng/lít tăng lên 19.300 đồng/lít và lần sau tăng thêm 2.000 đồng lên thành 21.300 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng đợt hai từ 10,3-15,3%.



Cùng với việc phá giá đồng tiền nội địa so với USD 9,3% ngày 11/2, rồi tăng giá điện 15,3% ngày 1/3/2011, việc tăng giá xăng dầu liên tục này đã đẩy giá của các mặt hàng khác lên cao. Giá thực phẩm trong những ngày đầu tháng tư đã tăng khoảng 10%, giá sắt thép, xi măng rục rịch tăng, giá nhiều mặt hàng khác cũng đều tăng, kể cả giá sức lao động (với việc tăng lương tối thiểu vừa qua).




Nguyên nhân chính của lạm phát là chi quá nhiều so với mức tiết kiệm của nền kinh tế (vì thế nên một lượng tiền lớn không cân xứng được bơm vào nền kinh tế), là hiệu quả đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước rất kém, là tác động của giá thế giới.



Chúng ta không có khả năng ảnh hưởng đến giá thế giới của hầu hết các mặt hàng (trừ gạo, cà phê và vài mặt hàng mà Việt Nam có vị thế khá trên thị trường quốc tế). Chính vì thế tác động của giá thế giới khó có thể được khắc phục.



Tuy nhiên, tất cả các nước vừa và nhỏ trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng của biến động giá quốc tế, song lạm phát của họ thấp hơn của ta rất nhiều. Điều đó chứng tỏ nguyên nhân chính của lạm phát ở nước ta là nguyên nhân nội tại, chứ không thể đổ cho biến động giá thế giới là chính.



Như thế phải giải quyết tận gốc các vấn đề nội tại nêu trên mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề lạm phát.



Tác động tâm lý lên lạm phát cũng rất quan trọng. Khi lạm phát thấp, tức là sức mua của đồng nội tệ được giữ vững, tác động tâm lý do sự biến động giá đột xuất của một mặt hàng lên lạm phát thường rất nhỏ hay nhất thời rồi tiêu tan nhanh sau thời gian ngắn. Ngược lại, khi niềm tin vào đồng nội tệ bị lung lay, khi lạm phát cao, thì sự tăng giá đột ngột của một mặt hàng có thể có tác động lớn (mà người dân thường gọi là hiện tượng “té nước theo mưa”).



Khi lạm phát đang ở mức cao, thì việc phá giá đồng tiền, tăng giá điện, tăng giá xăng một cách cấp tập trong một thời gian ngắn như vừa qua khiến cho tác động tâm lý được khuếch đại lên rất nhiều. Kỳ vọng lạm phát gia tăng khiến tất cả những người bán hàng đều tăng giá, dưới áp lực của người lao động giá sức lao động (tiền lương) cũng phải tăng lên, và cứ thế tiếp tục.



Đấy là vòng xoáy lạm phát hết sức nguy hiểm. Khi người dân tháo chạy khỏi đồng tiền nội địa (chuyển qua vàng, ngoại tệ, bất động sản...) thì vòng xoáy này bùng phát và lúc đó thì các chuyên gia giỏi nhất thế giới, các nhà hoạch định chính sách cũng phải bó tay và đứng nhìn. Phải hết sức tránh để nền kinh tế không bị tan hoang. Và nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ sức mua của đồng tiền, kiềm chế lạm phát và ngăn chặn vòng xoáy lạm phát.



Dường như vòng xoáy lạm phát hết sức nguy hiểm này đã được khởi động và nếu không kịp thời phá vỡ ngay vòng xoáy này và chặn lạm phát một cách kiên quyết thì có thể trở tay không kịp.



Riêng về giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng càng nhanh chóng để cho thị trường định giá “thì mới sớm giải thoát được cái mớ bùng nhùng trong quản lý”. Điều này không sai, nhưng chỉ đúng một nửa, chỉ đúng khi có cạnh tranh thực sự giữa những người bán. Hiện tại ở nước ta có khoảng 10-11 đơn vị tham gia thị trường xăng dầu (không kể các đại lý bán lẻ của họ), số lượng như thế là đủ để cho cạnh tranh lành mạnh có thể hình thành.



Tuy nhiên, một trong số đó, Petrolimex, vẫn chiếm trên 50% thị phần, tức là có vai trò áp đảo. Có ba cách giải quyết: để cho thị trường định giá ngay (tức là nhà nước không can thiệp nữa) như một số người khuyến nghị; nhà nước tiếp tục can thiệp như hiện nay; tái cơ cấu lại mấy công ty đó và để cho thị trường định giá.



Giải pháp đầu tiên sẽ tiếp tục nuôi dưỡng độc quyền và chắc chắn nhà nước sẽ lại phải can thiệp.



Giải pháp thứ hai vẫn giữ nguyên hiện trạng và các vấn đề không được giải quyết.



Chỉ có giải pháp thứ ba là khả dĩ: chia tách Petrolimex làm đôi, sáp nhập (phần lớn) các công ty còn lại thành một công ty có thể cạnh tranh ngang ngửa với hai nửa đã được tách ra ấy của Petrolimex. Và như thế tạo thành 3 công ty kinh doanh xăng dầu (vẫn thuộc sở hữu nhà nước cả) sàn sàn nhau và một vài công ty (nhỏ) khác (tương tự như thị trường điện thoại di động hiện nay). Lúc ấy, và chỉ lúc ấy, Nhà nước mới có thể phó mặc cho thị trường quyết định giá (cũng chẳng thể phó mặc hoàn toàn mà vẫn phải buộc chúng cạnh tranh lành mạnh). Chưa có cạnh tranh thực sự mà phó mặc cho thị trường là việc làm vô trách nhiệm.



Có thể tính đến giải pháp giữa chừng giữa giải pháp hai và ba: Nhà nước giám sát giá của Petrolimex cho đến khi nó bị tách làm đôi và trong khi chờ (tách Petrolimex và sáp nhập các công ty khác) để cho các công ty khác được tự quyết định giá. Đây chỉ là giải pháp quá độ.



Khẩn cấp trước mắt là phá vỡ vòng xoáy lạm phát và kiềm chế lạm phát, chứ không phải để cho thị trường định giá xăng dầu ngay như một số người kiến nghị.



Theo Nguyễn Quang A
Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét