Search with Google

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận về ngân sách




Tổng thống Obama
Tổng thống Obama cho biết nhiều khoản cắt giảm sẽ rất 'đau đớn'
Các nghị sỹ Quốc hội liên bang Mỹ từ hai đảng Cộng hòa
và đảng Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận về ngân sách chỉ một giờ trước thời hạn chót mà theo đó buộc chính phủ phải đóng lại nhiều dịch vụ.
Hai bên đã thông qua một dự luật chi tiêu vốn cho phép chính phủ tiếp tục vận hành trong lúc một kế hoạch ngân sách lớn hơn được hoàn tất.
Các bên đồng ý cắt giảm khoảng 38 tỷ đô-la từ chi tiêu năm nay cho đến ngày 30 tháng Chín.
Tổng thống Barack Obama nói việc cắt giảm sẽ là khó khăn nhưng cần thiết.
"Một số cắt giảm mà chúng ta đã đồng ý sẽ rất đau đớn," ông nói.
"Nhiều chương trình mà nhiều người phụ thuộc vào sẽ bị cắt giảm. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ bị chậm lại.
"Và tôi chắc sẽ không phải có những cắt giảm này nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh tốt hơn."
Ông Obama cho biết đây là "cắt giảm chi tiêu hàng năm lớn nhất trong lịch sử", nhưng nói rằng nước Mỹ cần bắt đầu sống trong khuôn khổ khả năng và phương tiện của mình.
"Chiến thắng"
Chúng tôi đã chiến đấu để giữ cho chi tiêu chính phủ hạ xuống, bởi vì nó thực sự sẽ tạo ra điều kiện tốt hơn cho người tạo ra việc làm
Phát ngôn nhân Quốc hội Mỹ John Boehner
Phóng viên BBC tại Washington, Mark Mardell, cho biết ông Obama đã cố gắng trình bày các biện pháp cắt giảm một cách tích cực, thế nhưng đây là một thắng lợi cho Đảng Cộng hòa.
Phóng viên BBC cho hay các cuộc tranh chấp sẽ còn diễn ra về ngân sách năm 2012, cũng như về các kế hoạch dài hạn để cắt giảm thâm hụt và chúng có chiều hướng còn khó khăn hơn nhiều.
Khi công bố thỏa thuận, phát ngôn nhân Quốc hội Mỹ, ông John Boehner, một nghị sỹ hàng đầu thuộc đảng Cộng hòa, cho biết đây đã là một cuộc "chiến đấu lâu dài".
"Chúng tôi đã đấu tranh để giảm chi tiêu chính phủ, vì nó thực sự sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những người tạo công ăn việc làm," ông nói.
Nếu không đạt được thỏa thuận vào lúc nửa đêm thứ Sáu, chính phủ Mỹ sẽ buộc phải ngừng hoạt động, và khoảng 800.000 nhân viên chính phủ sẽ phải ngừng làm việc.
Lần cuối chính phủ Mỹ ngưng hoạt động là vào năm 1995, khi đó diễn ra cuộc tranh chấp giữa Quốc hội mà đa số là thuộc đảng Cộng hòa và Nhà trắng thuộc về Tổng thống của đảng Dân chủ, ông Bill Clinton.
Việc chính phủ đóng cửa hoạt động khi đó kéo dài 20 ngày và người ta ước tính làm thiệt hại khoảng 1% mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong một quý của năm đó.
Trong lần thỏa thuận ngân sách này, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong nhiều ngày khi các đảng viên Cộng hòa - chịu áp lực của Đảng Phong trào Tea Party vốn có khuynh hướng bảo thủ về tài chính - hối thúc cắt giảm ngân sách lớn hơn mức mà đảng Dân chủ sẵn sàng chấp nhận.

(Nguồn : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/04/110409_us_budget_deal.shtml)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét