Search with Google

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Tập đoàn Nhà nước ngập ngừng bán USD






Được hưởng lợi từ tài nguyên và ưu đãi của Nhà nước để kinh doanh và thu ngoại tệ về, nhưng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn ngập ngừng bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, dù đã có yêu cầu từ Chính phủ.


Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, họ đã bán toàn bộ số ngoại tệ thu được trong 3 tháng đầu năm 2011 cho hệ thống ngân hàng. Số tiền lên tới 2,7 tỷ USD được xem là một thành tích của tập đoàn kinh tế lớn nhất quốc gia, trong khi lẽ ra, đó là việc làm rất đỗi bình thường, theo đúng quy định của Nhà nước.
"Chúng tôi là tập đoàn kinh tế nhà nước có thu, có chi ngoại tệ nên khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bán lại khoản ngoại tệ thu được thì chúng tôi chấp hành nghiêm túc. Khi cần chúng tôi sẽ mua lại chứ cũng không giữ làm gì", ông ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam cho biết như vậy tại buổi họp báo đầu tuần qua.
Việc làm của PVN là rất đáng trân trọng, nhưng lời nói của ông Đinh La Thăng lại có chút gì hơi "miễn cưỡng" khiến nhiều người ngầm hiểu họ chỉ bán khi được NHNN "yêu cầu" chứ không "tự giác". Tuy nhiên, PVN vẫn còn "gương mẫu" so với các "ông lớn" khác của Nhà nước.
Thông tin từ Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu tại buổi họp báo Chính phủ cho biết tính đến hết tháng 3/2011, qua báo cáo từ 78 tổ chức, tập đoàn, tổng công ty thì tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức này tính đến cuối tháng 3/2011 là 1,61 tỷ USD, trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn là 376 triệu USD.
Khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, con số dư tiền gửi có kỳ hạn rõ ràng là nhằm mục đích găm giữ. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty bán lại số ngoại tệ gửi có kỳ hạn nói trên cho tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Sau khi bán lại cho các ngân hàng, nếu các doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ thì các ngân hàng chắc cũng sẽ phải bán lại đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đáng ra, việc các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước bán lại ngoại tệ cho ngân hàng phải được xem là "chuyện thường ngày ở huyện" bởi đó là nhiệm vụ của họ và cũng là lẽ công bằng vì họ đang hưởng lợi nhiều từ tài nguyên và lợi thế của quốc gia nên phải góp phần cùng Chính phủ thực hiện bình ổn thị trường ngoại hối. Đằng này, phải chờ Chính phủ "yêu cầu", có văn bản chỉ đạo, NHNN có hướng dẫn thực hiện, nhưng vẫn không được thực hiện nghiêm chỉnh.

Ảnh minh họa: SGTT
Cuối năm ngoái, khi bắt đầu thực hiện chủ trương này, các ngân hàng đã gặp không ít khó khăn khi các DN không chủ động hợp tác, thậm chí còn tìm mọi cách để chứng minh nhu cầu sử dụng để giữ lại càng nhiều USD càng tốt. Đầu năm nay, khi Chính phủ tiếp tục siết chặt quản lý đối với ngoại hối thì việc này lại tiếp tục được nhắc lại nhằm yêu cầu phải thực hiện nghiêm.
DN nhà nước với vị trí, vài trò cũng như lợi ích được hưởng đáng ra phải là người chủ động thực hiện các chính sách, cùng góp tay với chính phủ thực hiện tốt các chính sách điều hành kinh tế xã hội. Tuy nhiên, chỉ trong một việc nhỏ, là bán lại USD cho ngân hàng và được cam kết là sẽ được mua lại khi cần nhưng vẫn chưa được rốt ráo và triệt để. Một việc đáng lẽ đã trở thành nhiệm vụ bình thường, một thói quen nhưng lại đang để phải "chỉ tận tay, day tận mặt".
Nếu có sự nhất quán giữa nói và làm trong thực hiện chính sách này sẽ góp phần không nhỏ vào ổn định thị trường ngoại tệ và nâng cao hình ảnh trách nhiệm xã hội của các tập đoàn Nhà nước, vốn đã bị sứt mẻ khá nhiều sau hàng loạt các vụ làm ăn không hiệu quả thời gian qua.

(Nguồn : http://vef.vn/2011-04-10-noi-va-lam-tap-doan-nha-nuoc-ngap-ngung-ban-usd)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét