Osama Bin Laden được thế giới chú ý tới kể từ ngày 11 tháng Chín năm 2001, khi các cuộc tấn công nhắm vào Hoa Kỳ khiến hơn 3.000 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Chỉ trong ba năm, nhân vật bất đồng chính kiến người gốc Ả rập Saudi đã trở nên nổi tiếng từ một người không ai biết đến và trở thành một trong những người đàn ông bị căm ghét và ghê sợ nhất trên thế giới.
Osama Bin Laden sinh năm 1957, và có lẽ là người con thứ 17 trong số 52 người con của Mohamed Bin Laden, một nhà triệu phú trong ngành xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng tới 80% đường xá tại Ả Rập Saudi.
Cái chết của cha ông trong một tai nạn máy bay trực thăng năm 1968 đã đem lại cho thanh niên này một tài sản trị giá nhiều triệu đô la, tuy nhiên ít hơn đáng kể so với con số được công bố rộng rãi mà người ta dự đoán lên tới 250 triệu đô la Mỹ.
Mujahideen (các chiến binh Hồi giáo)
Trong khi học ngành kỹ sư dân dụng tại Đại học King Abdul Aziz ở Jeddah, Ả Rập Saudi, ông Bin Laden bắt đầu tiếp xúc với giáo viên và học sinh thuộc một chi nhánh bảo thủ hơn của Hồi giáo.
Qua các cuộc tranh luận và nghiên cứu thần học, ông đến với Hồi giáo cực đoan và coi đó là một tường thành chống lại những gì ông cho là sự suy đồi của phương Tây.
Các chuyên gia tình báo tin rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã đóng một vai trò tích cực trong việc trang bị vũ khí và huấn luyện các mujahideen, bao gồm cả Bin Laden. Sự kết thúc của chiến tranh đã chúng kiến một thay đổi lớn trong quan điểm của ông.
Các khoản đầu tư sinh lợi
Mối thù hận của Bin Laden đối với Nga đã chuyển sang Washington sau khi 300.000 lính Mỹ, trong đó có cả phụ nữ, được đặt trụ sở tại Saudi Arabia, là nơi có hai trong số những địa điểm thiêng liêng nhất của thế giới Hồi giáo, trong thời gian Chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991 để chống lại Iraq. Bin Laden thề sẽ trả thù cho những gì ông xem là một sự báng bổ.
Cùng với nhiều mujahideen đồng chí của mình, Bin Laden đã đem kỹ năng chiến đấu và lòng nhiệt thành Hồi giáo của mình tới nhiều phe phái bài Mỹ trong khu vực Trung Đông.
Áp lực của Mỹ đã chấm dứt những đợi lưu lại ngắn ngày của Bin Laden tại Ả Rập Saudi – nơi đã tước bỏ quyền công dân của ông vào năm 1994 - và tiếp đó là Sudan, và Bin Laden đã trở lại Afghanistan vào tháng Giêng năm 1996.
Đất nước này, vốn ở trong tình trạng vô chính phủ, là nơi tụ hội của các nhóm Hồi giáo đa dạng, bao gồm cả phe dân quân Taliban, mà chín tháng sau đó đã chiếm được thủ đô Kabul.
Mặc dù bị giới hạn về mặt địa lý, sự giàu có của Bin Laden lại gia tăng trong suốt thời gian qua, nhờ các khoản đầu tư béo bở trên khắp thế giới, cho phép ông ta tài trợ và kiểm soát một loạt những thay đổi liên tục của liên minh quân sự xuyên quốc gia thông qua mạng lưới al-Qaeda của mình.
Đôi khi ông làm việc môi giới, tổ chức hậu cần và cung cấp hỗ trợ tài chính. Lúc này lúc khác, ông tự mình tổ chức các chiến dịch bạo động.
Hồi tháng Hai năm 1998, ông đã đưa ra một Fatwa - chỉ dụ tôn giáo - thay mặt cho Mặt trận Jihad thế giới chống lại người Do Thái và các Thập tự chinh. Chỉ dụ tôn giáo này nói rằng giết người Mỹ và đồng minh của họ là một nhiệm vụ Hồi giáo.
Sáu tháng sau, hai trái bom đã làm rung chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania. Khoảng 224 người chết và gần 5.000 người bị thương. Ông bị truy tố vì bị tình nghi là thủ phạm chính, cùng với 16 đồng nghiệp của ông ta.
Chỉ sau một đêm, Bin Laden trở thành cái gai lớn đối với Mỹ.
Là biểu tượng cho phong trào kháng chiến Hồi giáo chống lại Washington, ông chẳng bao lâu lọt vào danh sách “những kẻ bị truy lùng ráo riết nhất” của FBI, với phần thưởng ai bắt hay giết được ông sẽ được tặng thưởng 25 triệu đô la Mỹ.
Hoa Kỳ đã bắn 75 tên lửa có điều khiển từ ngoài khơi vào sáu trại huấn luyện ở miền đông Afghanistan trong một nỗ lực không thành công để tìm cách giết ông này. Họ đã bắn hụt mục tiêu chỉ chậm có một giờ đồng hồ.
Ngoài các vụ đánh bom tại châu Phi, Bin Laden cũng bị ám chỉ có liên quan đến các vụ đánh bom hồi năm 1993 vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, vụ đánh bom bằng xe hơi tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi năm 1995 và vụ đánh bom bằng xe tải vào một doanh trại ở Ả Rập Saudi khiến 19 lính Mỹ bị thiệt mạng.
"Tôi luôn giết người Mỹ vì họ giết chúng tôi," ông nói. "Khi tấn công người Mỹ, chúng tôi không làm hại người khác."
Trong trường hợp các vụ đánh bom ở Nairobi và Dar es Salaam, lời nói này của ông là rỗng tuếch. Đại đa số người chết và bị thương là người châu Phi chứ không phải người Mỹ.
Kiêu ngạo vì sự giàu có của mình, Bin Laden đã đề nghị chính phủ Kazakhstan với giá nhiều triệu đô la để mua giúp vũ khí hạt nhân chiến thuật cho riêng ông ta.
Người ta chẳng ngạc nhiên khi mà cả Mỹ và Israel được cho là đã gửi các tay chuyên ám sát tìm cách thủ tiêu Bin Laden.
Văn hóa sùng bái
Thế rồi xảy ra sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001. Hai chiếc phi cơ bị cướp đã đâm vào và phá hủy Tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới, ở New York.
Một chiếc phi cơ khác đã lao xuống Lầu Năm Góc ở Washington và chiếc thứ tư bị rơi trên một cánh đồng ở Pennsylvania. Tổng cộng hơn 3.000 người thiệt mạng trong các vụ tấn công này, dẫn đến chiến dịch chống lại Taliban do Mỹ dẫn đầu.
Trên thực tế, ông ta đã vượt qua biên giới sang Pakistan, một đất nước mà ông có được sự tôn sùng vốn thường được dành cho các ngôi sao nhạc pop hoặc diễn viên điện ảnh.
Trong tháng Hai năm 2003, một băng ghi âm, dường như là của Bin Laden, được đem đến cho công ty truyền hình al-Jazeera.
Nói về cuộc chiến sắp xảy ra tại Iraq, tiếng nói trong băng ghi âm này nói: "Cuộc chiến của các thập tự quân này là mối quan tâm trước hết là của tất cả những người Hồi giáo, bất kể đảng xã hội chủ nghĩa của Iraq hay ông Saddam còn nắm quyền.
"Tất cả người Hồi giáo, đặc biệt là ở Iraq, cần phải tiến hành một cuộc thánh chiến."
Mỹ thừa nhận có lẽ đó chính là tiếng nói của Bin Laden.
Tính toán thời gian cẩn thận
Lần cuối cùng người ta còn nhìn thấy Bin Laden ngoài những người tùy tùng thân cận nhất của ông vẫn là từ cuối năm 2001 khi ông chuẩn bị rời bỏ thành lũy của mình tại Tora Bora.911
Ở Pakistan, ông được một số người bộ lạc Pashtun địa phương, vốn trung thành với phe Taliban và chống lại chính phủ của họ khi đó do Tổng thống Pervez Musharraf dẫn dắt, đón tiếp và giành cho nơi trú ẩn.
Cuộc săn lùng Bin Laden đã có một bước ngoặt bất ngờ khi vào năm 2003 ông Khalid Sheikh Mohammed bị bắt giữ.
Một cuộc tấn công lớn tìm bắt Bin Laden đã được quân đội Pakistan tiến hành dọc biên giới Afghanistan trong thời gian tháng 5 - 7 năm 2004.
Nhưng một năm sau đó, Tổng thống Musharraf của Pakistan thừa nhận các đầu mối đã đi vào ngõ cụt.
Mặc dù al-Qaeda vẫn tích cực trong việc lưu hành các thông điệp ghi âm, thường xuyên trên internet với hình ảnh vị chỉ huy đứng thứ hai của tổ chức al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri, thì các video của chính Bin Laden là rất ít.
Sự xuất hiện của ông được tính toàn thời điểm rất cẩn thận và nhằm mục đích, theo các nhà phân tích cho biết, gây ảnh hưởng đến ý kiến công chúng ở phương Tây bằng cách tạo ra chia rẽ giữa công dân và các nhà lãnh đạo của họ.
Một đoạn video như vậy đã được tung ra hồi năm 2004 - cùng năm đó xảy ra vụ đánh bom tại Madrid - và chỉ vài ngày trước ngày bầu cử Mỹ.
Một đoạn video thứ hai xuất hiện vào dịp kỷ niệm lần thứ sáu cuộc tấn công 11 tháng 9 đang đến gần, được tính toán thời điểm nhằm dập tắt những tin đồn rằng ông đã chết một thời gian trước đó rồi.
Đối với những người ủng hộ, Bin Laden là một chiến binh chiến đấu cho tự do chống lại Hoa Kỳ và Israel, chứ không phải như nhiều người ở phương Tây nhìn nhận, là một kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét