Search with Google

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

'Chưa bẻ gãy được quân đội Gaddafi'






Quân nổi dậy Libya
Chỉ huy quân đội Mỹ thừa nhận chưa bẻ gãy được quân đội của Đại tá Gaddafi cho dù liên quân đã tổ chức hàng trăm cuộc không kích ở Libya.
Đô đốc Mike Mullen phát biểu trước một ủy ban của Hạ viện rằng hỏa lực của quân chính phủ Libya vẫn còn gấp 10 lần quân nổi dậy.
Tại cũng cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lặp lại quan điểm rằng Hoa Kỳ sẽ không "đặt chân lên đất Libya".
Hiện giờ hai phe nổi dậy và quân Gaddafi dường như đang ở giai đoạn giằng co không phân thắng bại trong việc chiếm quyền kiểm soát đất nước.
Trong những ngày vừa qua, phe nổi dậy đã yêu cầu liên quân tổ chức thêm các cuộc oanh tạc.
Đô đốc Mullen nói tại Hạ viện rằng thời tiết xấu trong ba, bốn ngày qua đã cản trở không quân xác định mục tiêu.
Hãng AFP dẫn lời ông nói: "Thời tiết là lý do chủ yếu giảm thiểu hiệu quả [của các đợt oanh tạc] và khiến quân đội chính phủ tiến lại về phía Đông".
Tuy nhiên ông ước tính chiến dịch không kích của liên quân đã tiêu diệt chừng 20% tới 25% lực lượng Gaddafi.
Ông nói: "Chúng ta đã thu nhỏ đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội Gaddafi. Tuy thế điều đó không có nghĩa đã đến lúc bẻ gãy được lực lượng của họ".
Có tin bảy thường dân bị thiệt mạng trong một trận oanh kích của liên quân vào đoàn xe của phe Gaddafi ̉ơ miền Đông Libya, theo lời một bác sĩ cho BBC biết.

Liên quan vụ Lockerbie?

Sang đầu giờ trưa ngày 1/4, theo giờ London, BBC được tin một đặc sứ của chính phủ Libya, ông Mohammed Ismail, đã ở Anh mấy ngày qua để nói chuyện với chính quyền Anh.
Bộ Ngoại giao Anh xác nhận trong các mối liên hệ với quan chức Libya, Anh Quốc luôn nói rõ về yêu cầu ông Gaddafi "phài ra đi".
Trong khi đó, chính phủ Gaddafi phải đối phó với một số sự kiện chính trị như nhân vật được bổ nhiệm làm đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc nói ông sẽ không nhậm chức.
Ali Abdessalam Treki, người đáng ra sẽ phải nhận vị trí đại sứ thay cho người tiền nhiệm đã đào tẩu, nói ông lên án việc "đổ máu".
Trước đó, Ngoại trưởng Moussa Koussa đã trốn sang Anh và quan chức Anh nói ông từ nhiệm.
Các công tố viên Scotland cho hay họ đã chính thức yêu cầu được phỏng vấn ông Koussa về vụ đánh bom một máy bay chở khách trên trời thị trấn Lockerbie năm 1988.
Hồi đó ông Koussa là trưởng cơ quan tình báo đối ngoại của Libya. Vụ Lockerbie làm 270 người chết, đa số là người Mỹ.
Phóng viên BBC John Simpson có mặt tại Tripoli nói đang có đồn đoán về vị trí của các quan chức cao cấp Libya như thủ tướng, chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng dầu khí.
Người ủng hộ Gaddafi
Đang có kêu gọi điều tra thương vong trong dân thường
Một người phát ngôn cho chính phủ nói tại một cuộc họp báo rằng tất cả giới chức đều có mặt ở Libya, ngoại trừ một số người đang đi công tác.
Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn tranh cãi nhau về việc có thể giúp phe nổi dậy Libya tới đâu trong khuôn khổ nghị quyết LHQ với sứ mệnh bảo đảm vùng cấm bay và cấm vận vũ khí.
Trong lời điều trần trước ủy ban quân sự của Hạ viện, ông Gates nói Mỹ sẽ chỉ đóng góp những gì mà các quốc gia khác không làm được, như vũ khí điện tử, cấp nhiên liệu trên không và thông tin tình báo.
Ông nói: "Lật đổ chính quyền Gaddafi, cho dù có thể được nhiều người hoan nghênh, không phải là sứ mệnh của chiến dịch quân sự này".
Ông cũng từ chối không xác nhận tin rằng chính phủ Mỹ đã cho phép điều nhân viên CIA hoạt động ở Libya.
Nato, vốn đã nắm quyền chỉ huy chiến dịch không kích Libya hôm thứ Năm, tuyên bố phản đối việc cung cấp vũ khí cho phiến quân.

Thương vong trong dân thường

Hiện giao tranh xảy ra, lúc nặng lúc nhẹ, bên ngoài thị trấn Brega, cách Tripoli 800km về phía Đông.
Quân nổi dậy đã tiến vào thị trấn này sáng thứ Năm, nhưng sau đó phải rút lui sau khi quân Gaddfi nã pháo.
Tới cuối ngày thì không rõ bên nào giành kiểm soát thị trấn, nhưng có tin quân nổi dậy chuẩn bị tổ chức một đợt tiến công mới.
Về phía Tây, quân Gaddafi tiếp tục tấn công thành phố Misrata với pháo và xe tăng.
Một người dân nói với BBC: "Nếu tình hình cứ tiếp tục thế này thêm vài ngày nữa thì tôi sợ rằng chiến sự sẽ tràn khắp thành phố và sẽ xảy ra thảm sát".
Nato cho hay đang điều tra tin tức về thương vong trong dân thường sau khi quân phương Tây oanh tạc Tripoli.
Trước đó, một quan chức của Vatican tại đây trích lời các nhân chứng nói 40 thường dân chết trong các đợt không kích.

(BBCNEWS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét